Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Tĩnh Lặng Gyeongju Hàn Quốc


Du lịch Hàn Quốc vài chục năm nay nổi lên như một nền kinh tế phát triển năng động. Nhưng ở đó cũng có những vùng đất tĩnh lặng, thiêng liêng, lưu giữ nét văn hóa Phật giáo lâu đời.


Gyeongju - một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Gyeongsang, cách Busan khoảng 170 km, được biết đến là vùng đất Phật với hơn 1.000 năm lịch sử, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2000. Khu di tích Gyeongju là nơi lưu đậm dấu tích của nghệ thuật Phật giáo Triều Tiên,  đặc biệt là từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, dưới thời Vương quốc Silla (Tân La). Gyeongju cũng chính là nơi yên nghỉ của các vị vua, nằm ngay giữa lòng thành phố hiện tại. Cho đến nay, kiến trúc thành phố vẫn còn giữ nguyên vẻ cổ kính với những ngôi nhà mái vòm đặc trưng, không có nhà cao tầng, dân cư thưa thớt và bao trùm lên tất cả là không khí tĩnh lặng đến khó tả. Khu di tích Gyeongju vào những ngày thu đẹp đến mê hồn. Cỏ vẫn xanh nhưng lá cây lại nhuốm màu vàng, đỏ. Khu lăng mộ rộng mênh mông chỉ có hơn 20 ngôi mộ. Du khách được vào bên trong để tận mắt chứng kiến những cỗ quan tài đá cùng các cổ vật được lưu giữ nguyên vẹn từ ngàn năm qua.


Cách Gyeongju khoảng 16 km là chùa Bulguksa, được xem là một tự viện lớn, đẹp nhất và lâu đời nhất của du lịch Hàn Quốc. Bulguksa được xây dựng vào thời kỳ đầu triều đại Silla, triều đại hưng thịnh của Phật giáo Hàn Quốc. Hoàng hậu Silla đã phát nguyện xây chùa để cầu cho sự thịnh vượng, bình yên của vương quốc mình. Tài liệu tại chùa cho biết Bulguksa nguyên thủy là một ngôi chùa nhỏ được xây vào năm 528 dưới thời vua Beopheung.
Tuy nhiên, theo cuốn Tam quốc di sự, ngôi chùa được xây dựng vào năm 751 dưới thời vua Gyeongdeok, do tướng quân Kim Daeseong chủ trì để báo hiếu cha mẹ và được hoàn thành năm 774, dưới triều Hyegong. Sau khi Kim Daeseong qua đời, ngôi chùa được đặt tên là Bulguksa như hiện nay. Sau đó, chùa Bulguksa được sửa chữa lại dưới triều đại của Goryeo và những năm đầu của triều đại Joseon. Trong cuộc xâm lược của Nhật Bản giữa năm 1592 và 1598, các tòa nhà bằng gỗ hầu hết đều bị thiêu hủy trong đó có cả chùa Bulguksa. Năm 1604, chùa Bulguksa được tái thiết và mở rộng, sau đó thêm 40 lần tu chỉnh nữa cho đến năm 1805 thì hoàn tất.

Sau Thế chiến 2 và Chiến tranh Triều Tiên, một phần ngôi chùa được phục hồi vào năm 1966. Tiếp đó, người ta tiến hành một cuộc nghiên cứu khảo cổ lớn và việc trùng tu đã được thực hiện trong giai đoạn 1969 - 1973, đem đến cho chùa Bulguksa một cấu trúc như hiện tại. Chúng tôi đến viếng chùa Bulguksa vào cuối mùa thu, những thảm cỏ quanh chùa phủ đầy lá vàng. Trên núi phía sau ngôi chùa là hang Seokguram, một hang đá được thiết kế xung quanh thờ tượng Phật. Đây là một hang động Phật giáo đẹp hàng đầu châu Á và được liệt vào di sản thế giới của UNESCO, cùng với ngôi chùa Bulguksa.
Với lịch sử lâu đời cùng khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, vùng đất Phật Gyeongju đang được chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển du lịch, kết nối tuyến Busan và Seoul bên cạnh những điểm du lịch Hàn Quốc đã quen thuộc khác.

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

NhữngLễ Hội Đầy Màu Sắc Sứ Hàn

Hàn Quốc có nhiều truyền thống văn hóa cùng những câu chuyện lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều thời kỳ, những phong tục từ thời xa xưa đã có nhiều thay đổi, thế nhưng, tinh thần của lễ hội vẫn in đậm trong tâm hồn của người dân xứ Hàn.
Lễ hội Chào Seoul

Chào Seoul là một lễ hội tiêu biểu ở thành phố Seoul. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa rất hấp dẫn ở nhiều nơi trên khắp thành phố thủ đô. Sự kiện hằng năm này thu hút rất nhiều người tham gia, trong đó có du khách quốc tế.


Ở khu vực suối Cheonggyecheon gần quảng trường Seoul, bạn sẽ được xem nhiều màn trình diễn nghệ thuật và những cuộc triễn lãm rất độc đáo. Suối Cheonggyecheon gắn liền với lịch sử của thành phố Seoul. Ngày nay, dòng suối này vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.


Đêm đến, bầu không khí lễ hội vẫn rất sôi động với chương trình biểu diễn mừng sinh nhật lần thứ 60 của thái hậu Hyegyong – mẹ của vua Chongjo. Sự kiện này là dịp để mọi người tìm hiểu thêm về phong tục truyền thống, về những điệu múa và âm nhạc thời kỳ Joseon. Những bộ trang phục lộng lẫy và các món ăn tuyệt ngon của thời kỳ này cũng được du khách đặc biệt quan tâm. Màn diễn mừng sinh nhật nhằm tôn vinh thái hậu Hyegyong và những người mẹ nói chung. Họ luôn cố gắng vượt qua mọi thử thách khó khăn để nuôi dạy con thành người.

Trải qua 600 năm lịch sử từ thời kỳ Joseon cho đến nay, cuộc sống của người Seoul đã có nhiều thay đổi. Trong lễ hội Chào Seoul năm nay còn có một sự kiện rất đặc biệt thể hiện tinh thần đoàn kết của những cư dân sống ở thành phố này – lễ hội tình bạn Seoul (Seoul Friendship Fair). Có rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện này. Các điệu múa, điệu nhạc chính là ngôn ngữ toàn cầu giúp mọi người đến gần với nhau hơn. 


Chủ đề của lễ hội Chào Seoul năm nay là “Cung điện”. Trong thời gian diễn ra lễ hội, cả 5 cung lớn ở thành phố Seoul đều mở cửa đón công chúng đến tham quan. 

Cung Gyeongbok trở nên sống động với màn trình diễn “Chuyện về Sejong đại đế”. Vua Sejong lên ngôi vào năm 22 tuổi. Ông đã trị vì vương quốc Triều Tiên từ năm 1418 đến 1450. Ông chính là người đã phát minh bảng chữ cái của Triều Tiên. Sejong Đại đế cũng rất quan tâm tới lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Ông có công lớn trong việc phát triển âm nhạc, nghệ thuật của đất nước. Ngoài ra, vị vua đáng kính này còn chú trọng đến việc mở mang bờ cõi, mang đến cuộc sống ấm no cho mọi người Những câu chuyện về Sejong đại đế được tái hiện rất sinh động trong dịp lễ hội này. 

Chào Seoul là lễ hội tiêu biểu của thành phố Seoul. Trong suốt 9 ngày diễn ra lễ hội, mọi người được vui chơi thỏa thích và được tìm hiểu nhiều truyền thống văn hóa của người Hàn Quốc. 

Lễ hội bùn


Xuất hiện lần đầu vào năm 2008, lễ hội bùn trên bãi biển Daecheon ở thành phố Boryeong thuộc vùng duyên hải phía Tây Hàn Quốc thu hút nhiều người đến vui chơi. Đến với lễ hội này, khách sẽ được thỏa sức đùa giỡn trong bùn. Mục đích của những người đến tham gia lễ hội này là làm thế nào để thân mình càng bẩn càng tốt nhằm quên đi ưu phiền.

Bùn ở bãi biển Daecheon được cho là có chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Loại bùn có chất lượng cao đã giúp vùng đất này nổi tiếng trên khắp thế giới. 

Điểm thú vị của sự kiện này là bạn phải trét đầy bùn lên mình nếu không, bạn sẽ bị nhốt vào cái gọi là “nhà tù” trên bãi biển – nơi được rất nhiều du khách ưa thích. Khi bạn bị nhốt bên trong nhà tù, người bên ngoài sẽ tát nước bùn vào cơ thể bạn. 

Tham gia lễ hội, bạn còn được trượt cùng với nước bùn. Khi bùn dính quá nhiều vào cơ thể, bạn có thể dùng nước để dội bớt rồi tiếp tục vui chơi. Đến với lễ hội bùn, bạn không nên đứng bên ngoài quan sát những gì đang diễn ra mà phải vào lăn lộn với bùn mới cảm nhận được sự thú vị của nó.
Trong lễ hội này có rất nhiều hoạt động khác nhau. Mọi người được thỏa sức tắm bùn, massage bùn, dưỡng da bằng bùn, đấu vật trên bùn, chạy thi trong bùn, trượt trên bùn….Tất cả đều cảm thấy thoải mái khi được vùi mình trong bùn. Lễ hội này là nơi bạn có thể vui chơi hết mình và quên đi những âu lo, muộn phiền trong cuộc sống.

Cuộc triển lãm Thành Phố Toàn Cầu

Tại thành phố Incheon – nơi được xem là cổng vào của đất nước Hàn Quốc với sân bay quốc tế Inchoen – có một sự kiện rất độc đáo kéo dài trong 80 ngày. Bạn sẽ được du lịch vòng quanh thế giới khi đến vui chơi và tham quan lễ hội này.

Cuộc triển lãm Thành Phố Toàn Cầu (Global City Pavilion) có rất nhiều khu triển lãm gây sự chú ý của du khách. Có 105 thành phố trên khắp thế giới tham gia cuộc triễn lãm thành phố toàn cầu. Tại các khu triễn lãm, khách sẽ được tìm hiểu rất nhiều thông tin về các thành phố trên khắp thế giới.
Trong cuộc triển lãm qui mô này, người ta thiết kế mô hình của nhiều công trình lớn trên thế giới chẳng hạn như nhà hát con sò của Australia, đền Taj Mahal của Ấn Độ. Trong mỗi công trình, người ta còn trưng bày những chú gấu Teddy với trang phục truyền thống dân tộc của nước đó.

Lễ hội Seoul Fringe

Seoul có rất nhiều lễ hội rất độc đáo trong đó có lễ hội Seoul Fringe với nhiều hoạt động rất hấp dẫn. Dịp này, người ta đã thiết kế một khu trung tâm nghệ thuật ở một tòa nhà lớn trên đường Hong- đe trở thành sân chơi tuyệt vời đối với những người đam mê nghệ thuật. Đến đây, khách sẽ được tìm hiểu rất nhiều thông tin về thế giới nghệ thuật.
Lễ hội Fringe diễn ra trên nhiều con đường ở thành phố Seoul. Từ khi ra đời cho đến nay, lễ hội Seoul Fringe ngày càng nổi tiếng và trở thành sân chơi đầy hào hứng của các nghệ sĩ trẻ, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Trong thời gian diễn ra các lễ hội thường xuyên có những màn trình diễn nghệ thuật rất sôi động. Trong nhiều lễ hội khác, người biểu diễn thường là các nghệ sĩ chuyên nghiệp, thế nhưng, ở lễ hội Seoul Fringe, bất cứ ai cũng có thể trình diễn năng khiếu của mình. Ở sân chơi này không có ranh giới giữa khán giả và người biểu diễn, ai cũng có thể trở thành nghệ sỹ.

Lễ hội khinh khí cầu Daejeon (Gapcheon)

Những lúc diễn ra Lễ hội khinh khí cầu Daejeon, bầu trời thành phố Daejeon trở nên lộng lẫy hơn với những chiếc khinh khí cầu nhiều màu sắc. Tham gia lễ hội này là những đội thi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một sự kiện rất đặc biệt đối với những người thích khám phá thế giới trên cao bằng chiếc khinh khí cầu. 

Chơi dù lượn và khinh khí cầu là 2 môn thể thao rất phổ biến ở châu Âu và Nhật Bản và nay chúng đã lan truyền đến Hàn Quốc. Trong suốt kỳ lễ hội này, các đội sẽ trải qua nhiều vòng thi đấu. Đây là dịp để mọi người ngắm nhìn những chiếc khinh khí cầu nhiều màu sắc bay lượn đẹp mắt trên bầu trời. Ngoài các vận động viên, du khách cũng có cơ hội ngắm nhìn thành phố Seoul từ trên cao khi đến tham dự lễ hội này.